Skip to content Skip to footer

“Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” – Cuốn sách gối đầu giường của mọi phụ huynh giúp con vượt qua sóng gió bão tố

Nếu thế hệ chúng ta đã có một số khó khăn về sức khỏe tinh thần thì một thực tế đáng lo ngại cho tuổi trẻ hiện nay là số lượng trẻ em bị căng thẳng, hiếu động, lo lắng, trầm cảm và các rối loạn tâm lý khác đang tiếp tục tăng lên.

Bạn có biết, một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy: Có đến 91% thành viên của thế hệ Z đã phải đối mặt với các triệu chứng tâm lý hay sinh lý do căng thẳng, trong đó có đến 58% bị buồn bã hay trầm cảm và 55% mất hứng thú, động lực và năng lượng trong đời sống hằng ngày.

Nguy cơ sức khỏe tâm thần của các thế hệ sau thực sự đáng lo ngại, đòi hỏi mỗi phụ huynh nên là một “bác sĩ tâm lý”, hiểu con, hiểu vấn đề của con để kịp thời giải quyết, cải thiện. Tuy nhiên, có một thực tế là chúng ta thường quan tâm đến điểm số, thành tích nhưng hầu như hiểu biết khá mơ hồ về chấn thương tâm lý của trẻ em. Điều đó dẫn đến cách ứng xử sai trong vài tình huống, khiến hậu quả đôi khi lớn hơn nhiều.

Nếu bạn thiết tha quan tâm nhưng chưa biết phải làm cách nào để giúp đỡ thế hệ con em trong một giai đoạn thế giới đầy bất trắc và bất định, đừng bỏ qua cuốn sách “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý”. Tác giả của cuốn sách nổi tiếng này là Tiến sĩ Peter Levine và học trò Maggie Kline – người sáng lập trường phái Thân Nghiệm nổi tiếng trên thế giới.

Đừng bao bọc con khỏi chấn thương tâm lý, hãy chấp nhận và học cách hồi phục

“Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” gồm 8 chương với hơn 300 trang sách. Tuy nhiên, đây không phải là một giáo trình khô khan với những lý thuyết, mô hình, nguyên nhân và triệu chứng. Bằng các ví dụ điển hình sinh động qua những câu chuyện có thật của hai tác giả, cuốn sách cho thấy nạn nhân chấn thương tâm lý không chỉ đến từ các trải nghiệm thảm khốc mà còn từ những sự kiện bình thường trong đời sống hằng ngày.

Chương 1 khẳng định “Chấn thương tâm lý là một phần của cuộc sống” với các ví dụ thực tế. Tác giả cũng chỉ ra các yếu tố tạo ra chấn thương tâm lý và các yếu tố tạo nên khả năng hồi phục.

“Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” gồm 8 chương với hơn 300 trang sách.

Chương 2 sẽ giúp “Nâng cao khả năng hồi phục thông qua xây dựng và thực hành kỹ năng cảm giác” với các phần: Cách hỗ trợ phù hợp cho trẻ đang bị choáng ngợp; Các bước đơn giản để xây dựng khả năng hồi phục; Xây dựng sự hiện diện bình an; Làm quen với cảm giác của chính bạn; Hướng dẫn từng bước sơ cứu để phòng ngừa chấn thương tâm lý.

Chương 3 cung cấp các nguyên tắc chơi đùa để hóa giải chấn thương tâm lý; gợi ý các trò chơi “đóng giả”, các hoạt động nghệ thuật với đất sét, bột nặn, tô màu, vẽ; làm thơ về thiên nhiên và động vật.

Ở chương 4, bạn có thể tham khảo cách giải quyết cho từng tình huống cụ thể. Chẳng hạn cách sơ cứu cảm xúc khi trẻ gặp tai nạn và té ngã; làm sao để giúp đỡ một đứa trẻ đang bị sốc; đề cao sức mạnh của ngôn từ và xây dựng các câu chuyện chữa lành…

Chương 5 sẽ đề cập đến Độ tuổi và các giai đoạn phát triển: Xây dựng lòng tự tôn của trẻ bằng cách thúc đẩy sự phát triển lành mạnh. Trong khi đó, chương 6 cảnh báo về nguy cơ xâm hại tình dục và cách phát hiện sớm; Chương 7 tập trung vào sự chia cách, ly hôn hoặc qua đời. Cuối cùng, chương 8 được hai tác giả xoay quanh “Chiến tranh du kích” ở khu phố.

Nhiều cha mẹ nghĩ chấn thương tâm lý chỉ xuất hiện khi trẻ trải qua một sự kiện “sốc”. Thực tế, cuốn sách sẽ cho bạn thấy, chấn thương tâm lý đôi khi xuất phát từ những nguyên nhân đơn giản hơn nhiều.

Một số lớn các rối loạn tâm sinh lý vốn xuất phát từ những trải nghiệm nghịch cảnh thiếu thời như bị bạo hành, xâm hại hoặc bị bỏ rơi, chứng kiến bạo lực trong gia đình hoặc cộng đồng, hoặc có một thành viên trong gia đình chết bằng cách tự tử. Tuy nhiên, các nguy cơ dẫn đến chấn thương tâm lý phức tạp hay phát triển khác có thể khiến người lớn ngạc nhiên, chẳng hạn như phẫu thuật, tai nạn, sự cố thể thao, ly hôn, mất mát.

8 chương sách với đầy đủ thông tin về chấn thương tâm lý giúp cha mẹ nhận thức đúng cũng như nhìn ra được con đường cần phải đi khi con thương tổn, giúp giảm nguy cơ trước những sự việc có khả năng xảy ra. Đặc biệt, cuốn sách nhấn mạnh thông điệp: Chúng ta phải hiểu rằng chấn thương tâm lý là một phần của cuộc sống và cần phải trang bị cho mình kiến thức để ứng phó với nó.

“Có buồn cười không nếu chúng ta đề xuất người lớn hãy bảo bọc trẻ em khỏi chấn thương tâm lý? Chúng tôi không nghĩ vậy. Hãy nhớ, khổ đau không thể tránh… chấn thương tâm lý là một phần thực tế của cuộc sống… nhưng khả năng hồi phục cũng vậy”.

Nhiều ví dụ thực tế, dễ hiểu, dễ thực hành

Không phải ngẫu nhiên “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ rất nhiều đối tượng độc giả. Với kỷ lục được dịch qua 12 ngôn ngữ, 8 ngôn ngữ châu Âu và 4 ngôn ngữ châu Á, tác phẩm là sách gối đầu giường cho không chỉ chuyên gia tâm lý hay y khoa chuyên về chấn thương tâm lý mà còn cho cả giáo viên, phụ huynh và người giữ trẻ. Trên mạng xã hội, có những hội nhóm được phụ huynh lập ra để thực hành sách.

Dù là một tác phẩm viết về đề tài có phần “khô khan” với nhiều dữ liệu, số liệu, tuy nhiên, “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” được viết với một giọng văn giản dị. Bạn có thể tìm thấy ở đây những kiến thức về khái niệm, nguyên nhân chấn thương tâm lý, nhưng hơn 300 trang sách không gói gọn trong những con số, nghiên cứu, thuật ngữ khô khan. Lồng ghép trong đó là những câu chuyện thực tế hay những trò chơi, cách thức sơ cứu, trị liệu cụ thể, gần gũi.

Không tự giới hạn trong những cách khắc phục chấn thương ngay từ đầu với những phương pháp sơ cứu cảm xúc hay phòng ngừa từ những dấu hiệu xuất hiện sớm nhất, “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” còn hướng dẫn và mô tả các bước trị liệu cho trẻ từng bị chấn thương từ nhiều năm mà nay biểu hiện qua các triệu chứng như lo âu hay trầm cảm.

Trên các trang review sách, nhiều phụ huynh đánh giá, “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” là cuốn sách họ muốn giới thiệu cho người khác sau khi đọc nó. “Một trong những cuốn sách hay nhất, thiết thực nhất và dễ tiếp cận, toàn diện và có thể áp dụng ngay để hỗ trợ trẻ em, thay vì lời nói suông thiếu hiệu quả”, một người nhận định.

Chấn thương tâm lý có lẽ là một trong những căn bệnh bị tránh né, thờ ơ, coi nhẹ, chối bỏ và hiểu sai nhiều nhất. Đây cũng là nguyên nhân gây đau khổ cho con người nhiều nhất mà ít khi được chữa trị một cách bài bản và khoa học. Trong hoàn cảnh đó, “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” là một quyển sách mà cha mẹ nào có con nhỏ cũng nên đọc qua, không phải để trở thành tấm lá chắn bảo vệ con trước thế giới mà để trở thành người đồng hành cùng con trưởng thành về mặt tâm lý và cảm xúc trước những bão tố trong đời.

Leave a comment